Công ty Thủy điện Sơn La hiện đang quản lý và vận hành hai nhà máy thủy điện lớn nằm trên địa bàn tỉnh Sơn La và Lai Châu, đây là 2 công trình đa mục tiêu, có ý nghĩa quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia. Không để bị động, bất ngờ trước thiên tai, hàng năm, Công ty đã xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu là những công trình đầu nguồn trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà. Thủy điện Sơn La có dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m³ nước và Thủy điện Lai Châu có dung tích hồ chứa 1,215 tỷ m³ nước. Mỗi năm, 2 nhà máy cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt là điều tiết nước cho vùng hạ du.
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, cho biết: Các công trình thủy điện do Công ty quản lý, vận hành có các đập với chiều cao đều trên 100m, là loại đập lớn trên thế giới, thiết bị công nghệ quan trắc công trình hiện đại và có mức độ tự động hóa cao. Việc kiểm soát đánh giá an toàn công trình được thực hiện tự động từ các thiết bị được lắp đặt trong công trình, hồ chứa, với khoảng 2.500 cảm biến đã lắp đặt trong 2 công trình Sơn La và Lai Châu, kết nối với Trung tâm thu thập số liệu. Ngoài ra, định kỳ, Công ty tổ chức giám sát công trình đầu mối, công trình xả lũ trước và trong mùa mưa bão, như kiểm tra, quan trắc trực quan các công trình đầu mối (hiện trạng thấm, rò rỉ, chuyển vị, các dấu hiệu khiếm khuyết công trình).
Nằm ở bên trong thân đập, các thiết bị quan trắc chính được lắp đặt để đánh giá các thông số đảm bảo an toàn cho công trình, như: Dịch chuyển vị trí, độ thấm, nhiệt độ, địa chấn. Ngoài ra, đối với mạng lưới trạm đo quan trắc địa chấn, công trình thủy điện Sơn La được lắp đặt 11 trạm ở các cao độ khác nhau. Còn ở bên ngoài công trình, nhà máy lắp đặt hệ thống toàn đạc tự động Leica TM50 được nhập khẩu từ Thụy Sĩ. Hệ thống máy này có độ chính xác cao, các thông số kỹ thuật được kết nối, thu thập và gửi về phòng dữ liệu quan trắc để đồng bộ số liệu. Các thông số được kiểm tra, kiểm soát liên tục, hằng ngày, hàng giờ về hiện trạng, tình trạng hoạt động của đập. Đồng thời, kết hợp với các thiết bị quan trắc trong thân đập để đánh giá một cách toàn diện về hiện trạng an toàn công trình.
Trước mùa mưa lũ hàng năm, Công ty đã tổ chức thực hiện sửa chữa lớn, bảo dưỡng hệ thống cửa van xả lũ, đập tràn, thiết bị cơ khí thủy công cửa lấy nước theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tổ chức vận hành nâng hạ, kiểm tra thử nghiệm đóng mở cửa xả trong các điều kiện sử dụng cả nguồn điện tự dùng vận hành bình thường và nguồn dự phòng, vận hành tự động hoặc thao tác thủ công để đảm bảo các cửa xả hoạt động tốt. Công tác giám sát công trình được kiểm soát thường xuyên bằng trực quan và hệ thống thiết bị đặt sẵn thông qua hệ thống thu thập số liệu tự động (ADAS) và phần mềm Vista Data Vision của Iceland. Qua kiểm tra, đánh giá của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà cho thấy, công trình trong trạng thái ổn định, an toàn, đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2021. Từ ngày 1/5/2021, Công ty tổ chức ứng trực PCTT&TKCN 24/24 giờ, gồm Ban chỉ huy, các đội xung kích PCTT&TKCN của Công ty.
Công tác đảm bảo an toàn cho vùng hạ du thủy điện được chú trọng, tại Nhà máy Thủy điện Sơn La đã xây dựng 14 trạm cảnh báo bằng loa và biển báo, bố trí trong bán kính 25 km hạ lưu Nhà máy, đảm bảo kịp thời cung cấp thông tin tức thời về chế độ chạy máy và xả lũ đến các xã, bản trên địa bàn. Trước khi xả lũ, thực hiện hú còi theo quy định, đồng thời cử cán bộ thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo đến bà con vùng hạ du.
Xã Tạ Bú (Mường La) là vùng hạ du ngay sau đập của Nhà máy Thủy điện Sơn La với 8/12 bản nằm dọc sông Đà. Ông Lò Văn Bước, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Tại các bản nằm dọc sông Đà, Công ty Thủy điện Sơn La đã lắp hệ thống loa phát thanh cảnh báo và biển cảnh báo nguy hiểm về lưu lượng nước thay đổi bất ngờ tại các khu dân cư. Xã cũng tích cực phối hợp với Công ty tuyên truyền những hành vi bị cấm trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước, hệ thống biển cảnh báo, loa cảnh báo; phương án phòng chống thiên tai của công trình thủy điện và sử dụng điện an toàn cho nhân dân trong xã.
Với những diễn biến khó lường của thời tiết như hiện nay, Công ty Thủy điện Sơn La luôn sẵn sàng ứng phó thiên tai, thực hiện mọi biện pháp xử lý tình huống hiệu quả; tuân thủ quy trình quy định trong kiểm tra, quản lý vận hành, bảo đảm an toàn, góp phần hạn chế lũ cho hạ du và thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.